Thánh Martinô : Bài Ca Bác Ái (3-3)
Phần III. Chúa nâng cao kẻ khiêm nhường
Trên đây, chúng ta đã tìm hiểu qua những khía cạnh đời thường, nghĩa là những khía cạnh rất người của thánh Martinô de Porres. Nhưng sống trong một xã hội chỉ biết trọng những gì là hay, là đẹp và vĩ đại như xã hội thời đó, thì đức tính khiêm nhường và đơn sơ của thánh Martinô đã bị xem thường, đôi khi còn bị coi là điên khùng nữa.
Ít người thấy được tấm lòng vàng ẩn giấu bên trong dưới lớp da đen đủi của ngài, như vị bề trên của tu viện Đức Mẹ Mân Côi đã nhận ra. Vì thế, để ân thưởng người đầy tớ hèn hạ Thiên Chúa đã ban cho Martinô nhiều ơn phi thường đặc biệt.
Lời truyền phép của thày dòng
Một trong những ơn riêng Thiên Chúa ban cho Martinô, là ơn làm cho bánh hóa nhiều. Mỗi sáng Martinô thường ăn uống thật vội vã để có giờ tiếp đón hàng trăm người nghèo đang đứng đợi thày ngoài cổng. Bởi vì Martinô hiểu được sự thật này : phục vụ người nghèo là phục vụ Chúa Kitô, thế nên thày không muốn để Ngài phải đợi lâu ngoài cửa.
Sự xuất hiện của thày làm những người nghèo ấy nhảy mừng và reo vang. Họ không chỉ vui mừng vì ngài đến gặp họ với giỏ thức ăn đầy ắp trên tay, nhưng còn vì tìm được nơi thày một trái tim biết rung cảm trước từng nỗi khổ đau của họ. Nụ cười tươi nở của thày Martinô chào đón họ, không mang vẻ xã giao bề ngoài, mà là nụ cười nồng nàn thắm đượm tình bác ái Chúa Kitô.
“Xin Chúa chúc lành và gia tăng của ăn này để làm no lòng những người đến đây”. Đó là lời “truyền phép” đơn sơ của thày Martinô trên giỏ lương thực. Trong khoảng một giờ đồng hồ, Martinô đứng ở cửa tu viện phân phát thức ăn, và dưới con mắt đức tin, thày thấy những bàn tay đang giơ ra kia là những bàn tay của Chúa. Nghĩ như thế, nên không bao giờ thày nhìn xuống giỏ thực phẩm để tính toán. Thức ăn vẫn tiếp tục còn trong giỏ bao lâu thày muốn.
Đến khi mọi người đã no nê, Martinô đóng cửa lại, thày thu góp những mảnh vụn và thực phẩm dư thừa, rồi đi về phía chuồng bò để lo cho các chú chuột đang chờ thày ở đó được ăn. Lời thày đã hứa là hứa thật, dù là hứa với đám chuột.
Niềm tin chuyển núi dời non
Một vị linh mục cũng thuộc dòng Đa Minh đã kể về một cơn bệnh khi còn là tập sinh. Đêm hôm đó, trong cơn sốt vật vã và khát nước, tập sinh ấy đã gọi đến tên Martinô, một tên gọi thiết tha trên miệng nhiều người mỗi khi cần được giúp đỡ an ủi, tức khắc thày thấy Martinô đứng ngay bên giường, với gương mặt hiền từ và ly nước trên tay. Vị linh mục này quả quyết Martinô đã đi xuyên tường mà vào, vì cửa phòng vẫn được khóa suốt đêm.
Nhiều người cũng truyền miệng với nhau rằng : Martinô có thể có mặt ở hai nơi cùng một lúc. Một người lạ mặt đã làm nhiều người ngạc nhiên khi tuyên bố mình là bạn của Martinô, và đã được thày chăm sóc khi ông mắc bệnh trong một trại giam ở Angiêri. Một thuyền trưởng thì nói ông đã gặp Martinô ở Trung Hoa ; còn những người khác, đã gặp thày ở Mêhicô, Nhật Bản, hoặc Phi Luật Tân…
Những điều kỳ lạ mà vị trợ sĩ da đen hèn mọn này đã làm, được mọi người truyền tụng khắp nước Pêru và tại nhiều nơi khác. Thế mà, đằng sau những việc lạ lùng này, chỉ là những lời cầu nguyện chân thành đơn sơ của những người có niềm tin “bằng hạt cải” … “có thể chuyển núi, dời non” ; và người dâng hiến lời cầu nguyện ấy vẫn tiếp tục làm những công việc khiêm hạ của mình : công việc của “ông thày chổi” âm thầm quét dọn tu viện, làm bạn với những người nghèo, và giữ lời hứa với bầy chuột.
Một chuyện lạ khác, được một thiếu niên người Tây Ban Nha tên là Gioan Vasquez kể lại : Martinô gặp Gioan bơ vơ không nhà cửa và tiền bạc trên đường phố Lima, đã đem cậu về sống với thày trong tu viện. Gioan yêu thương thày Martinô lắm, vì thày đã chăm sóc, nuôi dưỡng cậu bằng tình thương của một người cha. Một đêm kia, Lima bị động đất kinh hoàng. Sáng hôm sau, Gioan đã vào phòng thánh thuật lại cho tu sĩ phụ trách ở đây sự kiện lạ cậu chứng kiến trong đêm, đã khiến cậu sợ còn hơn cả trận động đất nữa.
Bị thức giấc vì cơn chấn động, Gioan mở mắt ra và thấy phòng ngủ sáng choang như ban ngày. Cậu thấy thày Martinô đang nằm giang tay cầu nguyện dưới đất, có một vầng sáng bao phủ quanh thày. Cậu liền chạy đến vừa kéo áo vừa gọi tên, nhưng thày Martinô vẫn nằm yên bất động, không trả lời. Sợ quá, Gioan leo lên giường trùm mền và khóc cho đến khi ngủ quên đi lúc nào không biết. Sáng ra, Martinô đánh thức cậu dậy, thày vẫn bình thường như không có chuyện gì xảy ra cả.
Vị tu sĩ vừa nghe Gioan kể chuyện vừa thản nhiên xếp khăn thánh, rồi mỉm cười đáp lại : “Tôi nói cho chú bé biết, không việc gì phải sợ, cậu sẽ thấy nhiều sự kiện lạ khác với thày Martinô, chính tôi còn thấy thày đi băng ngang qua tu viện như một quả cầu lửa nữa kìa”.
Một vị linh mục kể lại mình thấy thày Martinô được nhấc bổng lên không, quì đối diện với thánh giá để cầu nguyện. Một số tập sinh đi chơi xa với thày, trời tối khiến họ lo lắng, nhưng chỉ cần một lời nguyện của thày Martinô, họ đã thấy tất cả đang đứng trước cửa tu viện. Có nhiều người thấy bốn thiên thần cùng lao động với thày Martinô. Kẻ khác thấy thiên thần đi dạo và chuyện trò với thày mỗi buổi chiều. Có lẽ nhờ các vị ấy mà Martinô luôn tìm ra ngôn ngữ thích hợp để trình bày về Chúa cho những người thày phục vụ.
Trên đây là một số sự kiện trong những điều phi thường mà thày Martinô đã thực hiện lúc còn sống trên dương thế, nhưng phép lạ lớn nhất và giống với Chúa Giêsu nhất là việc thày cứu cho một thày Dòng đã chết mấy ngày được sống lại.
Chúa thương kẻ khiêm nhu
Thế nhưng, người đã từng cứu chữa các bệnh nhân, làm cho người chết sống lại và thực hiện bao nhiêu phép lạ khác đã không cứu chữa chính mình. Chỉ một cơn đau nhẹ, thày Martinô qua đời vào ngày 3-11-1639, ngày mà thày đã báo trước cho anh em trong Dòng. Năm ấy, thày Martinô tròn 60 tuổi.
Lòng thương cảm người khổ đau của thày Martinô không chấm dứt sau khi quả tim đã ngừng đập. Khi thi thể thày còn được quàn tại tu viện, nhiều người bị bệnh nan y đến chạm vào thày và đã được lành bệnh.
Những người khiêng linh cữu của thày Martinô đến huyệt không phải là các thày Dòng, mà là hai Giám mục, cùng với Tổng trấn Lima và Quan chánh án hoàng gia. Đông đảo dân chúng theo sau cầu nguyện và cất cao giọng hát : “Chúa hạ bệ kẻ kiêu căng và tuyên dương người khiêm hạ”.
Thật không còn lời nào đúng hơn để chúc tụng người tôi tớ da đen hèn mọn của Chúa, bởi vì họ đang từ giã một con người đặc biệt, mà mỗi nhịp đập nơi trái tim người ấy, đều hòa nhịp với trái tim của Thiên Chúa, của con người và của vạn vật.
Năm 1837, đức Grêgorio XVI suy tôn thày Martinô de Porres lên hàng chân phước. Ngày 6-5-1962, đức Gioan XXIII ghi tên ngài vào sổ các hiển thánh.
Xin thánh Martinô chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta biết theo gương thánh nhân, hát lên “bài ca bác ái” trong đời.
Lm Px Đào Trung Hiệu op
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét