Tấm Lòng Vàng - Chương 6 - 10
VI.
Ân Nhân của những nạn nhân xấu số
Tấm lòng từ thiện của thầy Martin de Porres đã lang tràn khắp nơi! Tu viện nhỏ hẹp Santo Rosario không đủ chổ cho thầy thực hiện việc bác ái.
Thầy Martin không hành động như những nhà từ thiện khác chỉ cứu chữa những ai gần mình. Không, lòng từ bi bác ái của thầy không bị thu hẹp trong phạm vi một tu viện mà thôi. Thầy còn đi ra ngoài phố để kiếm người đau khổ, nghèo cực, bệnh hoạn, để ra tay cứu giúp. Có khi thầy còn đi xa hơn thành Lima, không quản ngại khó nhọc, đâu có người cần giúp đỡ thì thầy lê gót tới đó ngay!
Một viên chức ở Lima, tên là Don Juan de Figuero, bạn thân của thầy Martin bị đau cuống họng, có nhờ thầy đến thăm và chữa dùm. Sau khi thăm bệnh thầy ngồi nói chuyện với bạn một lúc rồi xin kiếu từ và nói:
- Bệnh của bạn thế nào cũng khỏi, tôi xin lỗi bạn vì có việc phải đi gấp.
Trước khi bước ra thầy để lại cái lọ con, không nói năng gì cả. Bệnh nhân lấy làm ngạc nhiên, nhưng ông ta cũng cầm lấy lọ đưa lên miệng uống một hớp. Uống vừa xong ông thấy căn bệnh biến đi ngay. Bấy giờ ông mới hiểu rằng: Thầy Martin không muốn cho mình khen ngợi phép lạ của thầy...
Đứa tớ gái của viên chức ấy cũng được chứng kiến sự lạ vừa xảy ra. Lúc đó cô đang mắc bệnh ngoài da làm xấu cả gương mặt, nên thừa cơ hội cô lấy nước trong lọ của Thầy Martin rữa mặt. Lạ lùng, cô cũng được khỏi bệnh tức khắc, khuôn mặt cô trắng mịn như chưa mắc bệnh bao giờ. Xem nước trong lọ người ta chỉ thấy là thứ nước lã thường mà thôi!
Một người da đen bị một vết thương rất nặng có thể chết được, Thầy Martin lấy thuốc bột đắp vào vết thương, băng bó lại rồi làm dấu thánh giá trên vết thương. Bốn ngày sau vết thương ngậm miệng và khỏi hẳn. Thầy Martin cũng chữa khỏi chân của một người da đen khác bị sâu quảng bằng một dấu thánh giá thầy làm trên vết đau.
Một bà tên là Elisabeth Horthez de Torrez bị thổ huyết, đã kiệt lực lâm nguy đến xin thầy cứu chữa, thầy cũng chỉ làm dấu thánh giá mà bà được khỏi bệnh trong khoảng khắc!
Cậu Juan Vasquez thường theo thầy Martin đi ăn xin ở miền quê. Một lần, cậu đi bộ nhiều quá, hai chân sưng to không thể cất bước nổi để trở về tu viện kịp thời, Thầy Martin làm dấu thánh giá chữa khỏi cho cậu ngay!
Chị ruột của thầy Martin là Juana ở ngoại ô thành Lima gây tai nạn khiến cho đứa tớ gái bị thương ở mặt, máu me chảy lênh láng. Biết tin, thầy Martin vội vàng đến thăm chị và làm dấu thánh giá lên mặt đứa tớ gái, tức thì nó được lành lại.
Một đệ tử Dòng Santa Madalena ở Lima, bị con dao cắt đứt hai ngón tay. Vết thương mưng mủ lan ra khắp bàn tay. May ngày hôm đó thầy Martin đến nhà Dòng thăm người bạn, tức chân phước Juan Massias; nghe nói thầy liền bảo đứa bé cho xem vết thương và an ủi rằng: Thiên Chúa cầm quyền sinh tử trong tay, con đừng sợ, Chúa sẽ chữa khỏi cho con, Nói đoạn thầy để một chút thuốc bột xoa vào hai ngón tay đau của bé, rồi làm dấu thánh giá. Hôm sau hai ngón tay khỏi hẳn, màu da nhẵn nhụi như trước.
Thầy Martin cũng làm nhiều phép là trong tu viện Santo Rosaria. Sau đây chúng tôi chỉ thuật lại một vài tích điển hình:
Cha Luis de Guadalupe bị bịnh sưng phổi trầm trọng. Cha đang xét mình để xưng tội lần sau hết, thì thầy Martin đến thăm. Trông thấy thầy cha Luis sung sướng, lòng đầy hy vọng, cha nói: Này thầy Martin thầy hãy lấy thuốc ấy, lại đây đặt tay lên ngực tôi xem sao đã!
Biết bệnh nhân đang đau đớn, thầy làm theo lời cha yêu cầu. Khi thầy vừa đặt tay lên ngực cha thì ngài liền bớt đau ngay và trong mình dễ chịu khoan khoái, cha quì gối than thở:
- Tạ ơn Chúa, con khá lắm rồi, con không uống thuốc nữa.
Thầy Martin không dùng thuốc men nào cả. Thầy chỉ đặt tay đến bệnh nhân là tức khắc khỏi bệnh. Nhưng thầy không nhận mình có tài năng chi hết, thầy khiêm tốn nhũn nhặn đi ra một cách âm thầm kín đáo!
Lần khác, thầy Martin cũng cách thiêng liêng cho cha Pedro de Montesdosca khỏi chứng bịnh đau đớn. Cha Pedro là người nổi tiếng tính khó ở. Cha đang lo lắng, sợ, một chân hư, liều mình cắt bỏ đi. Thật ra không ai dám đến phòng bệnh cha. Nhưng thầy Martin đuợc ơn soi sáng hiểu rằng: cha đang cơn sảng sốt, ước ao được ăn thứ gì dịu mát để bớt đau. Thầy không gần ngại cho cha dùng một dĩa rau sống. Cha ăn hết dĩa rau sống liền trở nên vui vẽ chưa từng thấy, tâm hồn khoan khoái, vững chắc tin vào ơn Chúa và bảo thầy Martin để tay lên vết thương và cầu nguyện cho mình. Thầy Martin vâng lời thì trong chốc lát, cha thấy mình khỏi bịnh ngay, đi lại được như người khỏe mạnh vậy!
Không bao giờ người thấy thầy Martin đi ngoài đường với hai bàn tay trắng. Thầy không mang cơm áo thì cũng mang thuốc men theo. Thầy luôn luôn để ý đến kẻ nghèo nàn, đau yếu. Đi đâu và ở đâu bao giờ thầy cũng đem đến một bầu không khí vui vẻ và đầy hy vọng.
Thầy có tài tiên đoán nơi nào cần có sự cứu trợ, nên sau khi làm xong bổn phận trong tu viện, thầy ra ngoài tìn đến những người đau khổ đang trông đợi thầy cứu giúp. Thầy phân phát thuốc men, tiền bạc, an ủi vỗ về va xoa dịu vết thương lòng cho những người xấu số.
Bao lần thầy đã giúp đỡ những người bần hàn sinh sống trong nhà rách vách nát, và vì lẻ sinh nhai họ phải làm những công việc bần tiện không xứng nhân vị.
Suốt mấy tháng trời, ngày nào người ta cũng thầy vác trên vai thức ăn, quần áo đến đồn Gallac cách thành Lima 8 cây số trên con đường gồ ghề, trơn dóc rất khó đi, vậy mà thầy Martin cuốc bộ, và mang nặng trên vai. Vì đồn Gallac đang có những binh sĩ nghèo đang cần được cứu trợ.
Khi không còn gì để tri ân cho những người túng đói, thầy liền áp dụng những hy sinh cao cả. Một lần khi đi qua khám đường thành Lima, thầy trông thấy bọn tù làm ăn vất vả, nhọc nhằn, đói khát. Nhưng rủi thay ! Trong tay không còn gì để bố thí. Nghĩ một chập thầy nhớ lại mình còn cái nón, có thể bán lấy tiền giúp đỡ một phần nào ! và thầy đã bán đi để thi hành việc bác ái đó !
Cô Catalina de Porres thuật lại rằng: Một hôm, được nghĩ phép, thầy liền triệu tập những người nghèo khó kéo đến một hãng buôn trong thành phố, nơi tôi có gởi một số tiền lớn. Thầy xin lấy số tiền ra, để mua quần áo dày dép cho anh em nghèo khó và lẽ tất nhiên là tôi phản đối ! Thấy thái độ bất mãn của tôi, thầy ôn tồn nói : Rồi đây sẽ có người đem trả lại số tiền ấy cho cháu ! Quả thật ngày hôm sau, không hiểu cậu tôi can thiệp cách nào mà chủ hãng buôn ấy trả lại số tiền đã bỏ ra hôm trước.
Đây không phải lần thứ nhất thầy Martin có hành động như thế. Đã mấy lần rồi, không rõ ngài đã kiếm ở đâu ra tiền để giúp chị và cháu của thầy một cách bất ngờ như vậy.
Lòng từ thiện vị tha quí hóa đó khiến cho thầy quên mình để ra tay giúp người đồng loại. Câu chuyện sau đây cho ta thấy lòng vị tha ấy mênh mong như biển cả. Một hôm,Thầy Martin đi đàng, gặp một người đau ốm, nghèo cực, quần áo rách tả tơi, mình đầy mụn lở ghẻ, hôi hám. Thầy liền cõng người về phòng của thầy trong tu viện, đặt nằm trên giường, tắm rửa, thay quần áo và cho ăn uống. Thầy tận tâm săn sóc như người bạn tri kỷ. Thấy thế, một tu sĩ bất mãn, khiển trách thầy Martin sao lại đem đứa ăn mày ghê tởm này về phòng và cho nằm lên giường như vậy! thầy Martin ôn tồn đáp:
- Thưa thầy, thiết tưởng việc thương giúp kẻ hoạn nạn còn hơn sự sạch sẽ vật chất. Thầy nên biết rằng : mền chiếu của tôi, nếu dơ bẩn thì mất một chút xà phòng là giặt sạch ngay, nhưng cả một suối nước mắt nhân loại cũng không rữa sạch được những vết thương do cái xã hội bất công và ích kỷ này gây ra!
VII.
...Nhưng một trở lực đáng tiếc
Hầu suốt ngày, không lúc nào không có kẻ đau khổ đến tu viện Santa Rosario tìm thầy Martin. Kẻ xin ăn, người xin uống, kẻ xin cầu nguyện.
Thầy ân cần tiếp rước mọi người, không phân biệt dòng giống màu da. Thầy cho họ ăn uống, săn sóc trông coi, dạy kinh sách cho họ biết giữ đạo.
Khi bệnh viện hết chỗ thì thầy đưa bệnh nhân về nằm phòng riêng hoặc phòng trống trong tu viện.
Số bịnh nhân tăng nhiều quá đến nỗi cha Bề trên phải buộc thầy không được nhận kẻ khó nữa. Nhưng vẫn cho phép thầy săn sóc bệnh ở chỗ khác. Thầy lãnh ý Bề trên, đến nói với Juana, chị ruột của thầy, dành cho thầy một ngôi nhà ở ngoại ô Lima. Cô đồng ý, Thế là thầy Martin đem những người bị đời hất hủi đến đó săn sóc và cấp cứu.
Một buổi tối trời, Khi thầy Martin trở về tu viện dọc đàng gặp người da đen nằm quằn quại trên vũng máu trên lề đường, hỏi ra mới biết người này bị cướp đánh mê man. Thầy vội vàng băng bó cho nạn nhân. Rồi cõng về tu viện, đặt trên giường của thầy, có ý cứu nhân mạng này trong lúc khẩn cấp, rồi khi họ đỡ sẽ đưa đến nhà chị để điều trị.
Không may ! Cha Bề trên biết, nhưng lại nghe lầm, tưởng thầy không tuân lệnh hoặc vì muốn thử lòng khiêm tốn của thầy, nên gọi thầy đến để khiển trách nặng lời:
- Ta đã cấm thầy và tất cả các thầy khác không được tự nhiên đem bệnh nhân vào tu viện kia mà...sao thầy không tuân lệnh? Thầy phải chịu phạt đền tội này.
Martin cúi đầu lãnh án phạt không dám kêu ca nửa lời.
Cách đó mấy hôm, cha bề trên lại gọi thầy đến. Khiêm tốn như một tội nhân, thầy quỳ trước mặt ngài xin ban phép lành và tha lỗi cho mình vì đã không tuân lệnh. Cha bề trên ân cân nói:
- Thầy hiểu rằng ta chỉ quở phạt sự bất tuân lệnh của thầy mà không có ý khiển trách tư cách của thầy. Martin khiêm nhường thưa lại:
- Xin cha tha thứ và chỉ giáo cho con. Con chưa được biết rằng: việc từ thiện phải nhường bước cho sự phục tòng.
Trước câu trả lời hợp lý của thầy Martin, cha bề trên đổi thái độ dễ dãi hơn và cho phép thầy làm việc từ thiện trong tu viện Santo Rosario như trước. Đến đây, Thầy đã qua được một trở lực, Thầy hết sức sung sướng và càng thêm phấn khởi cứu nhân độ thế.
Ngoài những bệnh nhân ở tu viện và ở nhà chị ruột, thầy Martin còn trông coi nhiều bệnh nhân ở rải rác khắp nơi. Người ta không biết thầy xoay xở cách nào mà thầy làm hết công việc bổn phận thường xuyên lại còn săn sóc những người mà thầy muốn giúp đỡ ! Ấy chưa kể đến công tác hàng ngày ở trại Limatambo cách tu viện hai cây số. Cứ mỗi lần trên đường về tu viện, thầy lại ghé thăm các bệnh nhân da đen ở lân cận, cho thuốc men và băng bó vết thương của họ. Khi nhận thấy những người này tỏ ra nỗi uất hận, muốn nổi lên chống bất công và áp bức của xã hội, thầy lại tìm hết lời an ủi làm dịu lại nỗi lòng căm tức ấy.
Khi gặp người da đen nào hấp hối chết, thầy Martin liền đi mời linh mục đến giúp họ về phần linh hồn. Khi họ qua đời mà không có bà con thân thuộc hoặc nghèo nàn, thầy tự đảm nhiệm việc an táng; có khi chính tay thầy phải liệm xác và chôn cất.
Tính ra hàng tháng thầy Martin đã trợ giúp cho 160 nạn nhân. Mỗi tuần thầy phải cần số tiền là 2000 mỹ kim, nhưng thầy lấy tiến ấy ở đâu ? Thật ra Chúa Quan Phòng đã lo liệu. Trong đám người Tây Ban Nha đến Lima lập nghiệp, nhiều gia đình làm ăn phát đạt và trở nên giàu có. Họ thấy thầy rộng lòng xót thương dân nghèo, biết dùng tiền của để làm ích cho xã hội, nên sẵn sàng ủng hộ.
Sẵn có trí thông minh, thầy Martin tổ chức công cuộc cứu trợ rất chu đáo, nhưng không bao giờ tự kiêu, tự đại. Vì thương xót nhân loại đau khổ, thầy thành thực mở rộng lòng từ bi bác ái, cứu giúp họ, cải thiện đời sống họ.
Thầy không phân biệt nam phụ lão ấu, hoặc màu da, cứ hễ ai lâm nạn là đều được thầy mở rộng lòng từ bi bác ái.
Đối với những kẻ mồ côi, những kẻ bị xã hội bỏ rơi, Thầy Martin đã tỏ lòng thương yêu đặc biệt, để cứu vãn đời các em, thầy nhận thấy điều kiện tối cần là phải có cô nhi viện, có trường cho các em học tập để trở nên người lương thiện mai sau. Bởi vậy, thầy vận động và gõ cửa các nơi từ những nhà cầm quyền đến tư gia, thầy tha thiết kêu gọi sự cộng tác của mọi người. Nhờ ơn Chúa, thầy được nhiều người ủng hộ. Trong những nhà triệu phú đã giúp đỡ thầy có ông Mathicu Pastor bỏ của ra để cất ngôi trường rộng lớn cho các em mồ côi. Đó là trường Santa Cruz. Chỉ có Chúa mới biết những kết quả tốt đẹp, trường này thực hiện được trong lãnh vực xã hội, cũng như trong địa hạt tôn giáo, là đào tạo nên những thiếu nữ nết na, đức hạnh và những thanh niên ưu tú trong xã hội.
Đó là đặc ân của Chúa ban cho Thầy Martin, một người da đen có hai dòng máu khác nhau, xuất thân từ địa vị thấp hèn trong xã hội mà đã thực hiện được công cuộc xã hội to tát lưu danh muôn đời !
VIII.
Bác ái có trật tự
Đức bác ái khởi điểm từ bản thân, đến những người gần rồi mới đến những người xa. Trật tự này rất tự nhiên hợp tình hợp lý.
Thật vậy, không ai có quyền chịu thiệt thòi về linh hồn mình để làm lợi cho người khác. Chúa đã phán : "Nếu được lời cả thế gian này mà thiệt linh hồn mình thì không ăn thua gì" (Mt. XV, 26).
Và không ai có quyền bỏ cha mẹ, anh em thân thuộc đang cần giúp đỡ để cưu mang người xa lạ.
Xem đó ta không lấy làm lạ khi thấy thầy Martin đã cứu giúp những bà con họ hàng của thầy trước hết. Thầy đã giúp đỡ chị Juana, chẳng những về vật chất mà nhất là về tinh thần. Một lần vợ chồng chị gây lộn với nhau và định ly dị. Lúc ấy thầy Martin đang ở xa, được ơn Chúa soi sáng cho biết vợ chồng chị đang ẩu đả nhau kịck liệt, người láng giềng đến can thiệp không nổi. Thầy lật đật tới cách bất ngờ, tay xách một giỏ hoa quả, bánh mì và rượu.
Chợt trông thấy thầy, hai vợ chồng chị liền buông nhau ra cúi mặt im lặng. Không cần ai báo cáo, thầy cũng biết được nguyên nhân của cuộc gây lộn này rồi, thầy ôn tồn phân giải những thắc mắc, và với lời lẽ thiết tha, thầy khuyến khích vợ chồng làm hòa. Hai người như vừa qua cơn ác mộng, thức tỉnh cảm động và làm hòa với tất cả tấm lòng tha thứ.......Những người chứng kiến hôm đó, cũng chia vui với hai vợ chồng. Sẵn có giỏ thức ăn của thầy, họ chia nhau ăn vui vẻ.
Lima là nơi có nhiều vườn trồng cây ăn trái, nhưng hay mất trộm, vì lắm người túng đói quá.
Là một thanh niên có óc thực tế, thầy Martin nghĩ ra phương pháp tiểu trừ nạn trộm cắp. Nhận thấy Lima có một cái đồi hoang vu, đất không được tốt mấy, thầy nhất định khai thác cái đồi này. Trong những ngày ít công việc. Thầy đem cây trồng trọt, vun tưới... Ngày qua tháng lại, cả một khu đồi rộng lớn đã được mọi thứ trái cây ăn trái. Năm sau, cây cối mọc lên xinh tươi, khai hoa kết quả. Thầy cho những người đến hái trái cây ăn thừa cơ hội thầy khuyên họ bỏ trộm cắp. Quả nhiên phương pháp này được kết quả tốt đẹp. Nạn trộm cắp bớt đi nhiều, các chủ vườn ở Lima mới hiểu được ý nghĩa sâu xa công cuộc khai khẩn mà thầy Martin đã theo đuổi hết ngày này sang ngày khác trên ngọn đồi khô cằn ấy. Họ không ngớt khen ngợi lòng quảng đại hy sinh cũng như đầu óc thực tế sáng tạo của thầy.
Nói tóm lại: Thầy Martin đã tận tình giúp đỡ đồng bào của thầy. Ai đói thầy cho ăn, ai khát thầy cho uống, ai đau khổ thầy nâng đỡ, ai dốt nát thầy dạy dỗ, khuyên răn... bắt đầu từ những bà con thân thích cho đến những kẻ xa lạ, không một ai không được bàn tay tri ân của thầy giúp đỡ.
Thiên Chúa đã chọn thầy Martin để phân phát hồng ân của người cho nhân loại.
IX.
Bác ái đối với loài vật
Cũng như thánh Phanxicô khó khăn, thầy Martin cho rằng: hết thảy động vật, cả những con vật bé nhỏ, hèn hạ đều là những loài Chúa đã dựng lên vì mục đích, tối cao nào đó. Nên người ta không lấy làm lạ khi thấy thầy thương yêu vỗ về chúng.
Một hôm, trông thấy con chó bị vết thương đẫm máu, thầy liền chạy tới vừa vuốt ve con vật vừa lẩm bẩm:
- Khốn nạn cho mày, mày muốn cắn người ta nên bị người ta chém mày chứ gì!.. Thôi hãy theo ta về tu viện, ta sẽ chữa cho.
Con chó ngước mắt nhìn thầy, coi bộ thông cảm, rồi ngoan ngoãn theo về tu viện. Thầy đặt con chó nằm trên chiếc chiếu, rữa vết thương và băng bó cho nó. Sau hai hôm, con vật lành mạnh, thầy mới thả nó ra.
Thầy Fernando Aragonez thuật lại một chuyện sau đây: Cha quản lý tu viện Santo Rosario nuôi một con chó 18 năm. Khi nó đã già yếu, Ngài ra lệnh đập chết, nhưng thầy Martin can gián, và xin đem nó về phòng mình, đoạn trình cha quản lý với một giọng hơi trách móc :
- Thưa cha, cha muốn giết con vật là bạn trung thành với cha cách tàn nhẫn như thế, thật là quá đáng, Dẫu nó có đau ốm, ghẻ lở đi nữa, cũng có thuốc chữa được. Nó là con vật thật đấy, nhưng đã giúp ích cho cha nhiều năm kia mà, con thiết tưởng cha nên cho nó một cái chết êm đẹp. Nói đoạn, Thầy Martin làm dấu thánh giá trên con vật, tức khắc nó khỏi bệnh, khỏe mạnh như thường. Con vật chạy tung tăng, chạy xuống bếp tìm ăn. Thầy Martin làm cho nó cái cũi gần phòng thầy và cấm nó không lại gần chủ cũ nữa. Con vật ngoan ngoãn tuân lời thầy như có trí khôn vậy.
Một hôm, thầy nghe tin con lừa của một người Ấn độ sa hố sâu, con vật hết sức vẫy vùng mà không sao lên được. Thầy chạy đến đứng trên miệng hố nói lớn tiếng: Lừa ơi ! mày là con vật Chúa dựng nên, mày hãy lên đi...Thầy chưa nói dứt lời thì con vật từ dưới hố vượt lên một cách lanh lẹ!
Lần Khác, có con bò đực phát điên, chạy rong khắp đường phố làm dân chúng sợ hoảng hồn. Thấy vậy thầy Martin liền chạy đi đón đường con vật hung hăng, thầy giơ tay làm dấu thánh giá, con vật liền đứng yên ngay và trở nên hiền lành như trước.
Thầy Martin cũng thương xót những con vật hay làm hại. Ngày kia một đàn chuột lớn nhỏ không biết từ đâu kéo tới tu viện Santo Rosario, cắn quần áo. đồ đạc, làm thiệt hại rất nhiều. Các thầy Dòng tìm hết cách đối phó và bỏ thuốc độc để tiêu diệt chúng.
Thấy vậy, động tình thương, muốn giải thoát cho chúng, thầy gọi một chú chuột tới và bảo:
- Này đã đến lúc nguy khốn cho bay, vì các thầy Dòng đang sắm cạm bẩy để tiêu diệt bay. Mày hãy chạy đi kiếm các bạn đồng loại, tập trung ở cuối vườn, ta sẽ nuôi sống bay, nếu hứa không làm hại tu viện nữa.
Nghe tin ấy, chú chuột nhắt nhanh nhẹn chạy đi tìm đồng loại. Trong chốc lát, chuột lớn, nhỏ từng đàn theo sát chân tường bò về cuối vườn. Giữ lời hứa với chúng hằng, ngày thầy Martin đem cơm cho chúng ăn. Từ ấy, tu viện không còn bị nạn chuột phá hoại. Thấy thế, người ta khôi hài rằng: Thầy Martin là "ông bang trưởng loài chuột"
Có người còn cho thầy là "thợ sáo". Trong một bài thơ của thi sĩ Robert Browing có đoạn tả truyện một nhạc sĩ dùng sáo để điều khiển đàn chuột Hamelin Town. Nhạc sĩ thổi sáo rất hay, đàn chuột nghe say mê, cứ theo tiếng sáo mà tiến ra bờ sông như một đạo binh trật tự, rồi thích nhảy cả xuống sông chết. Ông thị trưởng thành phố hứa tặng nhạc sĩ một ngàn mỹ kim, nhưng thật sự ông ta không đưa tiền. Còn thầy Martin không giết hại chuột mà đã nuôi chúng và cấm chúng không được gây hại nữa.
Những trường hợp lạ lùng khác nữa tỏ ra nhân cách của thầy Martin: Không hiểu thầy đã làm phép gì mà khiến cho bọn chó, mèo chuột ăn chung ở chạ mà không va chạm cắn xé nhau.
Thật ra, những cảnh tượng lạ lùng ấy là tượng trưng cho lòng nhân từ hiền hậu vô biên của một tu sĩ người da đen.
X.
Cuộc đời khổ hạnh
Thầy Martin quan niệm những khổ hạnh là điều cần thiết cho việc tu hành, bởi thế, suốt đời thầy đã đem hết nghị lực và lợi dụng mọi cơ hội để sửa trị xác thịt.
Các tu sĩ cũng như nhân dân trong thành đều biết nhân đức của thầy, nhưng thầy vẫn khiêm tốn coi đời khổ hạnh của thầy và các đặc ân của Chúa ban như không có gì đáng lưu tâm. Thầy không muốn phô công cuộc từ thiện bác ái của mình.
Lòng từ bi và kham khổ của thầy phát sinh bởi lòng kính mến Thiên Chúa đến tột bậc !
Cha Gaspart de Soldagna, tu viện trưởng thấy mình có bổn phận phải công bố đời khổ hạnh của thầy, ngõ hầu làm gương cho hậu thế, Ngài truyền cho thầy phải trình bày tất cả những việc làm khốn xác thịt hằng ngày mà bấy lâu nay thầy vẫn giấu giếm. Cha hỏi:
- Có thật thầy đã áp dụng lối hành xác của Thánh Đa Minh đêm nào cũng phải phạt xác 3 lần đến chảy máu ra ?
Thầy Martin ngại ngùng không muốn trả lời ngay, cha phải hỏi thêm một lần nữa, thầy mới thành thật đáp : - Vâng thưa cha, khi nào Chúa muốn, Người sẽ cho biết riêng, con chỉ xin thú thật rằng: Con đã noi gương Đấng sáng lập Dòng Đa Minh, mỗi đêm hành khổ xác thịt ba lần..
Và thầy hạ thấp giọng tha thiết: - Con đã trình bày bấy nhiêu xin Cha Bề Trên đừng hỏi con nữa.
Cha Bề Trên cảm động không dám hỏi thêm.
Những người thân thích biết đời tư thầy Martin có thuật lại rằng: sự hành khổ xác thân của thầy không phải bắt đầu từ ngày đi tu đâu, trước đây thầy đã có thói quen hành khổ xác nhiều thế, nhiều cách rất nghiêm khắc và lâu dài. Nhưng thầy đã cố giấu kín không cho ai biết. Vì thế bề ngoài người ta chỉ thấy thầy là một tín đồ nhiệt tình thờ Chúa và tận tụy an ủi, giúp đỡ những nguời đau khổ mà thôi.
Đối với thầy sự đau khổ rất có giá trị để mua chuộc lòng yêu thương của Chúa, một người bạn hỏi sao thầy hành khổ xác như thế. Thầy trả lời:
- Vì tôi nhiều tội lỗi, cần phải đầy đọa thân tôi để phạt tạ, ngõ hầu được ăn mày ơn tha thứ.
Thầy Martin chỉ ăn uống vừa đủ cho khỏi chết thôi. Cũng như các người con ngoan ngoãn của cha Thánh Đa Minh, thầy Martin thường ăn chay lâu ngày. Trong tuần Thánh, thầy chỉ dùng bánh mì và nước lã. Còn từ thứ năm đến Chúa nhật Phục sinh, thầy không ăn uống gì.
Trong tu viện các ngày Chúa nhật và ngày lễ trọng được phép ăn uống như thường, nhưng thầy Martin thường chỉ ăn rau cỏ và rễ cây. Tuy ăn uống cực khổ mà thầy Martin vẫn làm việc gấp ba người lực sĩ.
Vì vâng lời, Martin phải cho cha bề trên biết mỗi đêm thầy đánh tội ba lần, cái roi mà thầy dùng làm khí cụ là một dây thừng quấn nút, hoặc cái xích sắt có mấu nhọn, thầy đánh lên vai cho đến khi máu chảy, đoạn lấy muối và dấm mà xát lên cho đau đớn thêm.
Hành khổ xác như thế chưa đủ, thầy lại còn qua phòng hội tu viện, quỳ trước tượng thánh giá, suy ngẫm sự thương khó Chúa Cứu Thế, rồi đọc kinh sửa soạn đánh đập xác một lần nữa. Quần áo thầy đã dính chặt vào các vết thương đẫm máu, thầy cởi áo ra làm cho các vết thương lại tóe máu. Lúc ấy thầy lại đánh xác thêm một lần nữa. Ôi! đau đớn dường nào, nhưng thầy Martin đã nhận nại chịu đựng và cho rằng: sự đau đớn của thầy chưa thấm vào đâu, nếu đem so sánh với những cực hình mà Chúa Cứu Thế phải chịu xưa kia.
Sau khi đã kiệt sức vì hành khổ thân xác, Thầy Martin mới ngã lưng lên cái chõng hoặc gục vào tường của một góc nhà và nghỉ ngơi cho đến rạng đông. Vừa thức dậy thầy lặng lẽ đi xuống một cái hầm, nơi đây đã có một người da đen lực lưỡng mà thầy đã mướn riêng, đợi thầy để hành hình lần thứ ba.
Thầy Martin cởi áo ra, giơ lưng và truyền người ấy phải hành động. Người cầm một cây to giơ lên cao rồi đập thật mạnh vào lưng, đập liên hồi cho đến lúc thầy Martin té xỉu mới thôi.
Đêm nào Martin cũng hành khổ xác như vậy, nhưng ban ngày thầy vẫn bình tĩnh vui vẻ, làm việc mau mắn như thường lệ.
Ngoài ra không ai ngờ rằng : người thanh niên bật thiệp, vui tươi như Martin lại mang trong mình một dây sắt, thắt ngang lưng, và trên vai một mảnh vải gai làm gỉ máu.
Bao nhiêu việc hãm mình hành xác ấy, thầy Martin đã hết sức giấu kín. Nhưng Chúa khôn ngoan vô cùng, không muốn để đèn sáng, vùi sâu dưới đất. Người muốn cho hậu thế biết đời khổ hạnh của Martin để coi đó suy nghĩ mà noi gương. Vì thế có người được mục kích những việc khổ hạnh của thầy, họ truyền tụng lại cho kẻ khác biết và thi đua kính phục thầy như thánh sống.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét